Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Tổng quan kỹ thuật trồng cà phê - Chăm sóc cà phê năng suất cao

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê - Quy trình chăm sóc cà phê đạt năng suất cao. Thông tin được chia sẻ bởi Viện Eakmat và tổng hợp bởi Giống Cây Trồng Tiến Đạt. Mời bà con cùng tham khảo

Ngoài việc lựa chọn giống cà phê năng suất cao. Thì việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc cà phê cũng đóng góp không nhỏ đến năng suất của vườn cà phê, cũng như tính bền vững khi canh tác cà phê. Đặc biệt ở vùng Tây Nguyên nơi cây cà phê được xem là cây chủ lực cho thu nhập cao trong nhiều năm nay

Quy trình kỹ thuật trồng cà phê

1 - Yêu cầu khí hậu và đất trồng cà phê

  • Đất trồng cà phê phải có pH từ 5.0 đến 6.5, thấp hơn cần điều chỉnh bằng cách bón vôi để giảm độ chua. Ngoài ra, đất phải hơi dốc, thoát nước tốt, tầng canh tác giàu dinh dưỡng sâu từ 0.8 - 1m. Đất xám, đất đỏ, đất thịt pha đều có thể trồng cà phê, tuy nhiên đất đỏ bazan ở vùng Tây Nguyên là cho năng suất cao nhất, cây sinh trưởng mạnh nhất
  • Đối với cà phê vối, cà phê mít khí hậu thích hợp là khí hậu kiểu nhiệt đới nóng ẩm, giải nhiệt độ từ 22 - 29 độ C, lượng mưa trung bình từ 2000mm/năm trở lên
  • Còn cây cà phê chè thì thích hợp với khí hậu cận nhiệt đới, khí hậu lạnh vùng cao. Nhiệt độ sinh trưởng trong khoảng từ 16 - 25 độ C, lượng mưa từ 1700 - 2000mm/năm
  • Do đặc tính sinh trưởng, cây cần có sự phân chia rõ rệt giữa 2 mùa mưa nắng. Đảm bảo có một đợt khô hạn đủ dài để tạo sự phân hóa mầm hoa, giúp cây ra hoa đậu quả tập trung, tiện cho việc thu hoạch
  • Trường hợp tái canh hoặc chuyển đổi cây trồng cần tiến hành cày xới đất, bón bổ sung phân hữu cơ, loại bỏ rễ cây, đá sỏi, sau đó phơi đất ít nhất 1 mùa nắng, trồng 2-3 vụ màu trước khi trồng lại cà phê. Mục đích là để đất sạch tuyến trùng - mầm bệnh, ổn định hệ vi sinh, trồng cà phê sẽ đảm bảo tỷ lệ sống và khả năng sinh trưởng
  • Điều kiện khí hậu khác: Cà phê là cây ưa thích ánh sáng tán xạ hoặc trực tiếp, do đó cần tiến hành trồng cây che bóng, chắn gió. Vừa giúp giữ độ ẩm trong mùa khô, vừa giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh, tránh gãy đổ, hoặc gió mạnh làm ảnh hưởng đến thụ phấn, đậu quả. Những năm đầu giai đoạn kiến thiết có thể trồng cây muồng vàng, cây đậu xăng để làm cây chắn gió, kết hợp làm phân xanh bổ sung mùn cho đất. Còn giai đoạn kinh doanh có thể trồng các loại cây cho thu hoạch quả như bơ sáp, sầu riêng thái, hoặc xen tiêu cũng rất kinh tế

2 - Mật độ trồng cà phê

  • Cà phê vối: Trồng với khoảng cách 2,8 đến 3m 1 cây. Tương đương 1.100 đến 1.400 cây/hecta
  • Cà phê mít : Thường trồng 5x5 hoặc 7x7m. Tuy nhiên người ta thường trồng cà mít làm vành đai chắn gió bao quanh vườn, ít nơi trồng chuyên canh
  • Cà phê chè: Trồng với khoảng cách 2x1m tương đương 4000 cây/hecta
  • Đất dốc hoặc đất nghèo dinh dưỡng, có thể trồng với mật độ dày hơn một chút so với tiêu chuẩn

3 - Chọn giống cà phê

4 - Chuẩn bị đất trồng, đào hố trồng cà phê

Ngoài các yêu cầu kỹ thuật đã nêu ở phần 1, thì đất trồng cà cần phải được dọn dẹp sạch sẽ, cày xới cho bằng phẳng trước khi trồng. Việc chuẩn bị hố trồng cà cần tiến hành trước 1 tháng so với thời điểm xuống giống. Thường cà phê trồng vào đầu mùa mưa, tức tháng 5 DL, do đó hố trồng cần chuẩn bị từ tháng 4 DL.

Quy cách hố trồng cà phê

  • Sau khi xác định mật độ trồng cà phù hợp. Bà con tiến hành cắm cọc, căng dây để xác định vị trí hố trồng
  • Dùng máy múc hoặc cuốc xẻng đào một hố có kích thước 50-60cm (dài x rộng x cao)
  • Sau đó đem lớp đất mặt trộn với phân chuồng, phân bón, nấm đối kháng với tỷ lệ như sau: 20-25kg phân chuồng + 0,5kg lân + 1 muỗng canh nấm đối kháng Trichoderma. + 0,1kg phân NPK loại nhiều đạm N, và lân P. Lưu ý khi sử dụng Trichoderma thì không nên dùng thêm vôi. Sẽ làm chết các bào tử nấm trong chế phẩm
  • Phần đất ở sâu bên dưới, bà con nên để riêng để tiến hành đắp bồn.

Cách trồng cà phê

  • Dùng dao hoặc kéo cắt bầu ươm sao cho khéo, tránh để vỡ bầu.
  • Đặt bầu vào chính giữa hố, sao cho mặt bầu thấp hơn mặt đất 5-10cm
  • Nén nhẹ đất xung quanh, tránh khoảng trống trong đất làm rễ không phát triển được
  • Sau khi trồng cần đánh bồn xung quanh cây, thành bồn cao 10-20cm và phải dùng chân nén chặt, tránh mưa xói mòn lấp mất cây
  • Trồng xong tưới đẫm nước để đất lèn chặt, cây không bị héo.
  • Riêng đối với cà ghép loại chưa sang bầu, khi trồng cằn dùng dao sắc cắt phần đất và rễ cách đáy bầu khoảng 2cm.

5 - Chăm sóc cà phê

Tưới nước: Sau khi trồng nếu trời không mưa cần tiến hành tưới nước cho cây, luôn giữ độ ẩm thích hợp để cây phát triển. Mùa khô cần tiến hành tưới định kỳ 10-15 ngày đối với cà con 1-2 năm tuổi. 20-25 đối với cà phê kinh doanh. Khi tưới cần tưới tập trung để cây ra hoa đồng loạt, giúp ổn định năng suất và thuận tiện cho việc thu hoạch cà phê sau này

Cắt tỉa cành: Tiến hành hãm ngọn lần 1 khi cà cao 1,4-1,6. Lần 2 khi cà cao 1,8 - 2m. Hàng năm tiến hành làm cành, bẻ chồi vượt 2-3 lần. Đặc biệt là mùa mưa và trước các đợt bón phân. Sau thu hoạch cắt bỏ cành tăm, cành sâu bệnh, cành hết khả năng mang trái (chỉ còn 3-4 cặp lá ở đầu cành)

Làm cỏ - Đắp bồn: Mỗi năm tiến hành làm cỏ 4-5 lần tùy theo tình hình cỏ dại, luôn giữ vườn thông thoáng hạn chế sâu bệnh ẩn nấp và cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với cây. Vào mùa mưa khi làm cỏ nên kết hợp mở rộng bồn theo tán cây, đến khi bồn giao với nhau thì ngừng lại.

Trồng cây che bóng - Chắn gió: Những năm đầu có thể trồng các cây chắn gió như muồng vàng, đậu xăng. Khoảng 2-3 hàng cà phê 1 hàng cây chắn gió. Còn cây che bóng thì dùng cây có giá trị kinh tế như bơ sáp, sầu riêng, điều lộn hột... Trồng cây cùng với thời điểm trồng cà phê. Khoảng cách các cây che bóng là 7-9 mét 1 cây (tùy theo độ phủ tán của cây che bóng). Ngoài ra cũng có thể trồng các loại cây trụ sống để xen canh tiêu và cà phê cũng rất hiệu quả.

6 - Kỹ thuật bón phân cho cà phê

  • Nhìn chung bón phân cho cà phê dựa vào năng suất của vườn cà. Trung bình từ 2-2,5 tấn NPK cho mỗi hecta cà phê. Chia làm 4-5 lần bón/năm. Giai đoạn cây nuôi quả cần tăng tỷ lệ Kali trong phân bón để tăng tỷ lệ đậu quả và chất lượng quả. Khi năng suất trên mỗi hecta tăng lên khoảng 1 tấn so với vụ trước cần tăng lượng phân lên 10-20%
  • Phân chuồng: 2 năm bón 1 lần, 1 lần khoảng 30-40kg/gốc. Bón bằng cách đào rãnh đối xứng quanh gốc, lần sau đổi vị trí so với lần trước. Rãnh đào sát mép bồn, dựa theo tán lá của cây cà phê. Khi bón phân chuồng có thể trộn chung với phân lân và nấm đối kháng Trichoderma để tăng hiệu quả.
  • Phân trung vi lượng - phân bón lá: Mỗi năm phun hoặc tưới gốc 1-2 lần vào mùa mưa, nên theo dõi các dấu hiệu thiếu dinh dưỡng biểu hiện qua lá, ngọn để bổ sung kịp thời các chất vi lượng. Giúp cây phát triển cân đối, khỏe mạnh
  • Vôi bột: Bón dựa vào pH của đất. Luôn duy trì pH ở mức 5.0 đến  6.5, thấp hơn cần bón vôi để khử chua. Thông thường với lượng phân bón vô cơ như hiện nay, mỗi năm nên bón từ 5-7 tạ vôi cho mỗi hecta cà phê. 

7 - Phòng trừ sâu bệnh cho cà phê

  • Các loại sâu bọ như rệp sáp, rầy nâu, rệp vảy, sâu đục thân: Sử dụng các thuốc trừ sâu loại thấm sâu lưu dẫn, mỗi năm phun phòng 1-2 lần vào đầu và giữa mùa mưa. Thường xuyên cắt tỉa cành thông thoáng, quan sát và theo dõi vườn cà khi thấy xuất hiện ấu trùng hoặc con non cần xử lý dứt điểm ngay
  • Các loại bệnh do nấm, vi khuẩn (Gỉ sắt, nấm hồng, nấm muội đen, thối rễ, lở cổ rễ) Phòng bệnh bằng cách thường xuyên bổ sung nấm đối kháng Trichoderma thông qua lá và đất trồng, góp phần hạn chế bệnh về nấm rất hiệu quả. Khi thấy bệnh xuất hiện cần cách ly, tiêu hủy phần thân mang bệnh, đồng thời dùng các thuốc trị nấm như Aliette, Ridomil Gold, COC85... phun xử lý bệnh

8 - Thu hoạch và chế biến cà phê

  • Cà phê thường thu hoạch vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 dương lịch. Một số giống chín muộn có thể thu hoạch trễ hơn vào tháng 1-2 DL. Do đó khi trồng bà con cần chú ý ở khâu chọn giống, tránh trường hợp vườn cà chín không đồng đều. Bất tiện cho việc thu hoạch
  • Khi thu hoạch nên đợi cà chín hẳn khoảng 70-80% diện tích, tránh hái xanh. Tuy nhiên cũng không nên để cà chín quá, gặp mưa cuối mùa dễ bị rụng trái, phải quét gốc thu gom rất bất tiện.
  • Cà sau khi thu hoạch cần phơi hoặc sấy cho khô. Không nên chất đống quá cao dễ bị nổi mốc, đen hạt. Thông thường phơi cà tươi khoảng 7-10 ngày dưới nắng là cà khô hẳn có thể tiến hành xay để tách lấy nhân
  • Cà nhân cần bảo quản trong kho xi măng, sạch sẽ cao ráo, tránh ẩm ướt. Khoảng 2-3 tháng cần phơi lại để hạn chế độ ẩm.
Như vậy qua bài viết này, bà con đã nắm bắt được quy trình trồng cà phê cơ bản nhất. Ở các bài viết sau cùng chuyên mục, chúng tôi sẽ đi vào chi tiết hơn từng công đoạn chăm sóc cà phê. Từ kỹ thuật bón phân, các xử lý các loại sâu bệnh, chi tiết về các giống cà phê cao sản... Mời bà con cùng theo dõi. Xin cảm ơn bà con


Load disqus comments

0 nhận xét